Các bài tập tính giá trị biểu thức là một trong những kiến thức cơ bản mà trẻ sẽ được gặp trong môn toán học. Trẻ biết cách phân tích và tính toán đúng giá trị của biểu thức sẽ có tư duy toán học và tư duy logic phát triển. Tuy đây là phần kiến thức nền tảng thế nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn gặp khó khăn trong việc dạy trẻ cách tính biểu thức. Đừng quá lo lắng, các cha mẹ hãy cùng KidsUP tìm hiểu về biểu thức trong bài viết dưới đây nhé!
Giá trị biểu thức là gì?
Trước khi cho trẻ học cách tính giá trị biểu thức, cha mẹ cần phải giúp trẻ hiểu thế nào được gọi là giá trị của biểu thức? Giá trị của một biểu thức được định nghĩa là kết quả số thu được sau khi thực hiện toàn bộ các phép toán có trong biểu thức đó. Nói cách khác, giá trị của biểu thức thể hiện kết quả cụ thể của một quá trình tính toán dựa trên các quy tắc toán học đã được thiết lập.
Trong toán học, có nhiều loại biểu thức khác nhau với các đặc điểm riêng biệt. Các loại biểu thức cơ bản bao gồm biểu thức số (chỉ chứa các con số và phép tính), biểu thức đại số (có chứa cả biến và hằng số) và biểu thức chứa nhiều phép toán khác nhau. Mỗi loại biểu thức đều có những đặc điểm riêng, đòi hỏi trẻ cần phải có cách xử lý khác nhau để tìm được giá trị chính xác.
Các loại biểu thức cơ bản
Như đã đề cập đến ở trên, có nhiều loại biểu thức khác nhau và mỗi loại sẽ có những đặc điểm riêng mà trẻ cần phải xác định để có phương pháp giải đúng. Tuy nhiên, kể cả với các loại biểu thức khác nhau, các bước để tính ra giá trị của biểu thức vẫn sẽ có được những sự tương đồng nhất định.
Bước 1: Xác định thứ tự thực hiện phép toán
Để tính toán giá trị của một biểu thức một cách chính xác, trước tiên cha mẹ nên lưu ý cho trẻ về quy tắc ưu tiên các phép toán. Quy tắc này đảm bảo rằng bất kể ai thực hiện phép tính trên cùng một biểu thức đều sẽ thu được kết quả giống nhau.
Quy tắc thứ tự thực hiện phép toán, thường gọi là PEMDAS hoặc BODMAS biểu thị thứ tự các phép tính nên thực hiện trong một biểu thức. PEMDAS là viết tắt của Parentheses (ngoặc đơn), Exponents (luỹ thừa), Multiplication and Division (nhân và chia), Addition and Subtraction (cộng và trừ).
Từ quy tắc này, trẻ có thể rút ra được quy tắc khi thực hiện phép tính trong một biểu thức như sau: từ trái sang phải trẻ cần thực hiện các phép tính trong ngoặc trước, sau đó đến lũy thừa, tiếp theo là nhân và chia rồi cuối cùng là cộng và trừ.
Bước 2: Rút gọn biểu thức
Rút gọn biểu thức là quá trình đơn giản hóa các phép toán trong biểu thức để dễ dàng tính giá trị cuối cùng. Trong bước này, trẻ có thể loại bỏ các ngoặc và kết hợp các hằng số hoặc biến có cùng giá trị. Việc rút gọn biểu thức cũng giúp giảm bớt độ phức tạp khi tính toán, từ đó tránh nhầm lẫn và sai sót.
Có nhiều cách khác nhau để rút gọn biểu thức, một số cách cơ bản mà trẻ có thể dùng trong các bài toán tính giá trị biểu thức bao gồm:
- Kết hợp các số hạng đồng dạng: Các số hạng đồng dạng là những số hạng có cùng phần biến và cùng số mũ. Trẻ có thể rút gọn biểu thức bằng cách thực hiện các phép tính với số hạng đồng dạng trước. Ví dụ: 3x + 2x = 5x.
- Sử dụng tính chất phân phối: Tính chất phân phối của phép nhân đối với phép cộng cho phép trẻ thực hiện phép nhân với từng số trong ngoặc và bỏ đi phần ngoặc đơn. Ví dụ: a(b + c) = ab + ac.
- Rút gọn phân số: Trẻ có thể đưa phân số về dạng phân số tối giản bằng cách chia cả tử số và mẫu số cho ước chung lớn nhất của hai giá trị trong phân số
- Sử dụng các hằng đẳng thức: Các hằng đẳng thức đáng nhớ là công cụ vô cùng hữu dụng giúp trẻ có thể biến đổi các biểu thức phức tạp về dạng đơn giản hơn. Nhưng kiến thức về hằng đẳng thức là kiến thức mà lên lớp 7 trẻ mới được học.
Bước 3: Tìm giá trị trong biểu thức
Đối với một số biểu thức đại số, trẻ cần phải thay giá trị cụ thể vào các biến để tìm kết quả cuối cùng. Để trẻ có thể biết cách thay giá trị vào biểu thức, trước hết cha mẹ nên dạy trẻ cách xác định các biến trong biểu thức, thường là các chữ cái. Sau khi đã xác định được các biến số trong biểu thức, trẻ có thể thay thế chữ cái đó bằng số giá trị đã được cung cấp sẵn và thực hiện phép toán.
Chẳng hạn, cho biểu thức là 4x + 5 và giá trị x = 2, trẻ chỉ cần thay 2 vào vị trí của x và thực hiện phép tính, trẻ sẽ có đáp án là 13. Biết cách xác định biến số và thay thế giá trị sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng tư duy logic và hướng tới khả năng tính toán những bài toán khó hơn trong tương lai.
Bước 4: Kết quả cuối cùng
Sau khi đã rút gọn và thay giá trị vào biểu thức, bước cuối cùng là thực hiện phép tính và kiểm tra lại kết quả. Kiểm tra kết quả giúp đảm bảo không có sai sót nào trong quá trình tính toán. Điều này cũng giúp trẻ hình thành thói quen cẩn thận, tránh việc tính sai kết quả do nhầm lẫn.
Trong toán học, bước kiểm tra lại kết quả đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo tính chính xác của kết quả bài toán. Một kết quả đúng không chỉ có nghĩa là trẻ đã hoàn thành bài tập mà còn là một kết quả nhằm tạo cảm giác tự tin khi con giải được một bài toán chính xác.
Bài tập thực hành tính giá trị biểu thức
Thực hành qua các bài tập không chỉ giúp trẻ củng cố kỹ năng tính giá trị biểu thức và mà còn góp phần để trẻ nhớ lâu các quy tắc tính toán. Các bài tập từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng tư duy logic và làm quen với các quy tắc toán học. Cha mẹ có thể tham khảo các dạng bài tập về biểu thức cơ bản sau đây.
- Bài tập về biểu thức số
Ví dụ 1: Tính giá trị biểu thức 3 + 4 × 2.
Giải
Theo quy tắc ưu tiên, trẻ cần thực hiện phép nhân trước: 4 × 2 = 8
Sau đó cộng 3 + 8 = 11.
Kết quả của biểu thức là 11.
Ví dụ 2: Tính giá trị biểu thức (5 + 3) × 2.
Giải
Theo quy tắc ưu tiên, trẻ cần thực hiện phép tính trong ngoặc trước: 5 + 3 = 8
Sau đó thực hiện phép nhân 8 x 2 = 16
Kết quả của biểu thức là 16.
- Bài tập về biểu thức đại số
Ví dụ 1: Tính giá trị của biểu thức 2x + 3 với x = 4.
Giải
Thay giá trị của x vào biểu thức ta có: 2 × 4 + 3 = 8 + 3 = 11.
Kết quả của biểu thức là 11
Ví dụ 2: Tính giá trị của biểu thức 3y – 2 với y = 3.
Giải
Thay y bằng 3 vào biểu thức ta có: 3 × 3 – 2 = 9 – 2 = 7.
Kết quả của biểu thức là 7
- Bài tập kết hợp các phép toán
Ví dụ 1: Tính giá trị của biểu thức 6 + (4 × 2) – 3.
Giải
Theo quy tắc ưu tiên, trẻ cần thực hiện phép nhân trước: 4 × 2 = 8
Sau đó thực hiện phép cộng và trừ: 6 + 8 – 3 = 11.
Kết quả của biểu thức là 11
Ví dụ 2: Tính giá trị của biểu thức (7 – 2) × (3 + 4).
Giải
Theo quy tắc ưu tiên, trẻ cần thực hiện phép tính trong ngoặc: 7 – 2 = 5 và 3 + 4 = 7
Sau đó, trẻ thực hiện phép nhân với 2 giắ trị của phép toán trong ngoặc: 5 × 7 = 35.
Kết quả của biểu thức là 35
Một số mẹo giúp học sinh làm bài hiệu quả
Nắm được phương pháp để tính giá trị biểu thức sẽ giúp trẻ củng cố kiến thức nền tảng để phát triển toàn diện trong tương lai. Trong quá trình làm chủ các bài toán tính giá trị của biểu thức, trẻ sẽ thường gặp phải một số khó khăn nhất định. Phụ huynh có thể cân nhắc việc dạy trẻ một số mẹo đơn giản sau để giúp trẻ học cách tính biểu thức được dễ dàng hơn.
Sử dụng giấy nháp
Sử dụng giấy nháp là một thói quen tốt khi làm toán. Thực hiện các bước giải trước vào giấy nháp không chỉ giúp trẻ ghi lại từng bước tính toán, tránh nhầm lẫn khi làm bài mà còn giúp trẻ tổ chức tư duy của bản thân một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra trẻ cũng có thể kiểm tra lại và đảm bảo tính chính xác từng bước giải trên giấy nháp trước khi tiến hành giải bài toán vào vở.
Kiểm tra lại kết quả sau khi tính xong
Kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài là một thói quen tốt giúp trẻ nhận ra sai sót và tránh được những lỗi nhỏ khi thực hiện các phép tính. Thói quen này rèn luyện cho trẻ tính cẩn thận và kiên nhẫn. Ngoài ra, trẻ thường xuyên kiểm tra lại kết quả và các bước giải biểu thức sẽ giúp trẻ củng cố kiến thức và đảm bảo tính chính xác trong quá trình làm bài.
Thực hành thường xuyên
Thực hành thường xuyên là cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng toán học. Qua việc làm bài, trẻ sẽ trở nên thành thạo hơn với các bước tính giá trị biểu thức và tạo nên sự tự tin ở trẻ đối với toán học. Không chỉ vậy, luyện tập thường xuyên giúp trẻ nhớ lâu và cải thiện tốc độ tính toán, nhờ đó trẻ có thể vượt qua các bài kiểm tra và kỳ thi dễ dàng hơn.
Kết luận
Bài viết trên là những chia sẻ của KidsUP về cách tính giá trị biểu thức. Các bài toán liên quan đến biểu thức đóng vai trò nền tảng vô cùng quan trọng để trẻ có thể rèn luyện khả năng tư duy logic và hướng tới phát triển toàn diện sau này. Hy vọng rằng bài viết trên của chúng tôi sẽ hữu ích với các bậc phụ huynh và hẹn gặp lại các mọi người ở những bài viết sắp tới nhé!