Thay vì ngày xưa dạy con từ mẫu câu, ngữ pháp, ngày nay việc hiểu tâm lý thích “học mà chơi” của trẻ nhỏ, bố mẹ lồng ghép các trò chơi tiếng Anh giúp con học ngôn ngữ hiệu quả hơn. Vậy làm sao để gây sự thu hút, động lực học và có cách dạy tiếng Anh cho bé, hãy tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Cùng chuyên gia Giáo dục sớm – tiến sĩ Sandie Mourão xóa bỏ những hiểu lầm về việc để trẻ tự học tiếng Anh và tư vấn cách dạy tiếng Anh cho bé tốt nhất lồng ghép với các hoạt động vui chơi của trẻ.
Trò chơi giả bộ là cách dạy tiếng Anh cho bé cực hay (nguồn: netdna)
“Học mà chơi, chơi mà học” quan trọng trong lứa tuổi 2 – 7
Các trò chơi của con rất đa dạng từ việc giả vờ, chơi 1 mình hay chơi theo nhóm, hoặc các trò chơi tương tác. Quan trọng bố mẹ biết kết hợp các trò chơi do người lớn tổ chức và trò chơi do trẻ nhỏ dẫn dắt để tạo ra sự phong phú trải nghiệm cho bé.
Những trò chơi nấu ăn, bác sĩ, chăm sóc búp bê… khi các bé sử dụng các hiệu lệnh bằng tiếng Anh để tương tác lúc chơi trò giả vờ, điều đó chứng tỏ trẻ có xu hướng bắt chước ngôn ngữ và hành động mà chúng đã nhìn thấy trước đó và biến thành hành động, lời nói của mình. Trẻ có thể hiểu và áp dụng rất nhanh các hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống mà chúng từng chứng kiến.
Chơi trò giả bộ nấu ăn, khám bệnh, đi chợ… (nguồn: bridgingthegap)
Vậy trò chơi do trẻ tự khởi xướng là thế nào? Tức là hoàn toàn không có sự can thiệp của bố mẹ, con tự chơi một mình hoặc chơi với bạn. Bằng cách này, trẻ học cách bắt chước, thử nghiệm, tự làm tự phạm sai lầm và tự rút ra kết luận, khuyến khích trẻ tự chủ vì chúng phải chịu trách nhiệm trong hành động, quyết định của tình huống mình đang “đóng vai”.
Cách dạy tiếng anh cho bé bằng trò chơi đóng vai như thế nào?
Chơi trò đóng vai 1 mình, cùng bố mẹ hoặc cùng bạn bè (nguồn: verywellfamily)
Khi 18 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu có khả năng giả bộ làm điều gì đó và đến 3 tuổi thì thực sự trí tưởng tượng được phát triển. Không phải ngẫu nhiên khi các hoạt động chơi tưởng tượng song hành cùng kỹ năng ngôn ngữ phát triển. Khi giả bộ, các cảm xúc và ý tưởng bằng ngôn ngữ được con diễn tả một cách tự nhiên và bé phải vận dụng mọi kỹ năng, kinh nghiệm đã quan sát trước đó của mình.
Bố mẹ có thể bắt đầu từ dạy con cách đối thoại. Khi bé có quả táo và nói “Quả táo”, mẹ hãy đặt ra các câu hỏi cho con nhé. Ví dụ: Where do you buy apples (Con mua táo ở đâu), How does it smell like (Táo có mùi vị ra sao). Hãy bổ sung từ ngữ, ý tưởng để “mớm” việc cùng con chơi trò giả bộ. Ví dụ: Let’s make an apple juice (hãy cùng làm nước ép táo nhé!), What do we need to make a delicious apple juice (Chúng ta cần những gì để có một ly nước ép thơm ngon nhỉ?) Bố mẹ hãy mở rộng các từ ngữ của bé như thêm động từ, tính từ để xem con có thể diễn đạt ngôn ngữ tới đâu.
Các trò chơi xoay quanh đồ vật, món ăn, sự vật gần gũi với bé (nguồn: pcdn)
Hỗ trợ con khi chơi giả vờ giúp khuyến khích con dùng các kỹ năng nhận thức, như cách giải quyết vấn đề (khi hỏi cách làm nước ép táo), vận dụng khả năng tư duy (con mua táo ở đâu, cần gì để làm nước ép táo). Bố mẹ lưu ý, khả năng giả vờ của con thường là tự phát, không hề có sự can thiệp của bố mẹ, nhưng bạn có thể giúp bé nâng cao khả năng này lên mức cao hơn bằng cách lập kế hoạch cho con vui chơi với bạn bè.
Khi con ở giai đoạn sắp tới trường và đi học, việc dạy con chơi cùng các bạn sẽ giúp bé hòa đồng, học cách xử lý các vấn đề giao tiếp, tương tác với các bạn ngay từ khi ở nhà. Nhà nghiên cứu nổi tiếng về kỹ năng giao tiếp xã hội Kenneth H.Rubin cho thấy, các bé 12 tháng tuổi đã bắt đầu bắt chước các cách bạn bè chúng dùng đồ chơi. Vậy mới thấy việc có bạn bè cùng trang lứa vui chơi với nhau vô cùng quan trọng trong những năm tháng phát triển đầu đời của bé.
Bố mẹ hoàn toàn có thể lập thời gian biểu về thời gian chơi đùa 1 mình, chơi cùng bố mẹ và chơi cùng bạn bè khác nhau. Bố mẹ lưu ý, khi trẻ nhỏ chơi cùng bạn bè, chúng chưa hề có sự phối hợp, mà chỉ cùng chơi với nhau thôi. Đến khi con 2-3 tuổi, việc hợp tác khi chơi mới rõ ràng hơn. Và cũng đừng quá hi vọng bé sẽ biết chia sẻ đồ chơi hay đợi tới phiên mình được chơi khi chơi trong nhóm. Hãy đảm bảo đủ đồ chơi cho cả nhóm các bạn nhỏ để không xảy ra sự tranh giành, và cất các đồ chơi đặc biệt bé yêu thích để tránh các bạn khác lấy đồ chơi của con. Chỉ tới khi con lên 2, khi con biết phối hợp trong trò chơi cũng là lúc con bắt đầu biết chia sẻ. Và từ đó, con tự hình thành cách giao tiếp với bạn bè và dần biết xử lý các tình huống sao cho vừa ý cả hai bên.