Ở giai đoạn 1 tuổi, trẻ bắt đầu khám phá môi trường xung quanh với sự tò mò và hào hứng đáng yêu. Đây là thời điểm mà những kỹ năng và nhận thức của bé phát triển mạnh mẽ, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện. Việc tìm hiểu xem “bé 1 tuổi biết làm gì” sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về bé trong giai đoạn này. Hãy cùng KidsUP tìm hiểu về những điều mà bé 1 tuổi có thể làm được qua nội dung dưới đây nhé.
Bé 1 tuổi biết làm gì?
Dưới đây là 4 kỹ năng mà hầu hết những bé ở giai đoạn 1 tuổi phát triển bình thường đều có thể làm được. Mời ba mẹ tham khảo xem bé nhà mình đã làm tốt những kỹ năng nào rồi nhé.
Kỹ năng vận động
Ở giai đoạn 1 tuổi, bé bắt đầu phát triển nhanh chóng cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số kỹ năng vận động mà bé 1 tuổi thường có:
- Đứng dậy không cần hỗ trợ: Bé có thể tự mình đứng dậy mà không cần sự hỗ trợ từ người lớn.
- Bò nhanh hơn: Kỹ năng bò của bé trở nên thành thạo và nhanh nhẹn hơn.
- Bước đi: Bé có thể bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên, mặc dù vẫn cần sự hỗ trợ từ người lớn hoặc bám vào đồ vật xung quanh. Một số bé có thể tự đi mà không cần bám tay.
Kỹ năng vận động tinh
- Cầm nắm đồ vật bằng cả hai tay: Bé có thể cầm và giữ đồ vật bằng cả hai tay một cách chắc chắn. Khả năng này giúp bé khám phá và tương tác với mọi thứ xung quan một cách hiệu quả hơn.
- Nhặt đồ vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ: Kỹ năng này, còn được gọi là “kỹ năng kẹp pincer,” cho phép bé nhặt những vật nhỏ như hạt đậu hoặc mảnh vụn bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ. Đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự phát triển trong khả năng điều khiển cơ ngón tay.
Kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ
Bé 1 tuổi biết làm gì đối với kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ? Kỹ năng này đối với bé 1 tuổi tuy chưa được thành thạo nhưng bé đã biết cách thể hiện trên gương mặt. Dưới đây là những kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ mà bé 1 tuổi thường có:
- Nói những từ đơn giản: Bé bắt đầu nói những từ đơn giản như “mẹ,” “ba,” “bà,” “ăn,” “nước,” và các từ khác mà bé nghe thường xuyên. Đây là những bước đầu tiên trong việc phát triển vốn từ vựng.
- Hiểu các câu lệnh đơn giản: Bé có thể hiểu và phản ứng lại với một số câu lệnh đơn giản như “lại đây,” “đưa cho mẹ,” “không được,” hoặc “vỗ tay.”
- Biểu hiện bằng cử chỉ: Ngoài việc nói, bé cũng sử dụng cử chỉ để giao tiếp, chẳng hạn như chỉ tay, vẫy tay, hoặc gật đầu để thể hiện nhu cầu và cảm xúc của mình.
- Bắt chước âm thanh và lời nói: Bé rất thích bắt chước những âm thanh và từ ngữ mà bé nghe từ người lớn.
Kỹ năng nhận thức
Kỹ năng nhận thức của bé 1 tuổi phát triển nhanh chóng, đánh dấu sự hiểu biết ngày càng rõ ràng về thế giới xung quanh, cụ thể:
- Hiểu khái niệm đơn giản về đồ vật: Ví dụ, nếu bạn giấu một món đồ chơi dưới một tấm khăn, bé có thể tìm kiếm dưới khăn để tìm lại món đồ đó.
- Chơi các trò chơi tương tác: Bé rất thích các trò chơi đơn giản như “ú òa” (peek-a-boo). Những trò chơi này không chỉ giúp bé phát triển khả năng nhận thức mà còn tăng cường sự gắn kết với người chơi cùng.
- Bắt chước hành động: Bé có khả năng bắt chước hành động của người lớn, chẳng hạn như giả vờ nói chuyện điện thoại hoặc khuấy thức ăn, cho thấy bé đang quan sát và học hỏi từ những gì diễn ra xung quanh.
Các kỹ năng cần thúc đẩy cho bé 1 tuổi
Sau khi bạn đã biết được bé 1 tuổi biết làm gì, tiếp theo ba mẹ cần quan tâm những kỹ năng cần thúc đẩy để bé phát triển toàn diện. Sau đây là một số kỹ năng cần thiết mà ba mẹ cần hỗ trợ bé 1 tuổi:
Kỹ năng tình cảm
Bé cần được nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn và yêu thương. Việc dành thời gian gần gũi với bé giúp bé cảm nhận được tình yêu, từ đó phát triển sự gắn bó và tin tưởng với người chăm sóc.
Ba mẹ nên khuyến khích bé thể hiện cảm xúc của mình, dù là vui mừng, buồn bã, hay sợ hãi. Khi bé bộc lộ cảm xúc, cha mẹ nên đáp lại một cách nhẹ nhàng để bé cảm nhận được sự quan tâm.
Kỹ năng về ngôn ngữ và phát âm
Ở tuổi này, bé có thể bắt đầu nói các từ đơn giản như “mẹ,” “ba,” “bà,”,… và một số từ khác mà bé nghe thường xuyên. Cha mẹ nên khuyến khích và tán thưởng khi bé cố gắng nói, giúp bé cảm thấy tự tin và hào hứng với việc học nói.
Phụ huynh nên thường xuyên nói chuyện với bé về những gì đang diễn ra xung quanh. Bạn có thể mô tả các đồ vật, hành động và cảm xúc để bé tiếp thu thêm từ vựng. Ví dụ, khi bé chỉ vào quả bóng, cha mẹ có thể nói “Đây là quả bóng, bóng màu đỏ”.
Kỹ năng đi, đứng
Bạn nên tạo cơ hội cho bé đứng lên từ tư thế ngồi hoặc cúi xuống nhặt đồ chơi mà không cần sự hỗ trợ. Điều này giúp bé phát triển sức mạnh cơ chân và khả năng giữ thăng bằng.
Ba mẹ nên khuyến khích bé thử bước đi một mình mà không cần sự hỗ trợ. Bạn có thể ngồi cách bé một khoảng ngắn và gọi bé đến, hoặc đặt món đồ chơi yêu thích của bé ở một khoảng cách gần để khuyến khích bé đi đến lấy.
Kỹ năng tự lập
Ba mẹ hãy khuyến khích bé tự ăn bằng tay hoặc sử dụng thìa, nĩa dành riêng cho trẻ nhỏ. Bạn nên để bé tự lựa chọn và cầm nắm thức ăn, ngay cả khi bé có thể làm đổ hoặc rơi vãi. Lưu ý rằng, bạn nên chọn dụng cụ gắp thức ăn phù hợp với kích thước vừa tay trẻ nỏ, dễ cầm nắm.
Ba mẹ nên cho bé thử tự mặc và cởi các loại quần áo đơn giản như áo không có nút hoặc giày dép dễ mang. Bé sẽ cần thời gian để làm quen, nhưng việc này giúp bé học cách tự làm những việc đơn giản từ sớm.
Các dấu hiệu cần chú ý của trẻ chậm phát triển
Sau khi bạn đã biết khi bé 1 tuổi biết làm gì, ba mẹ cũng cần chú ý một số dấu hiệu của trẻ chậm phát triển. Những dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ có thể biểu hiện qua việc bé không đạt được các cột mốc phát triển quan trọng trong thời gian dự kiến quá lâu.
Bé không đạt được các cột mốc quan trọng
Việc bé không đạt được các cột mốc phát triển là điều đáng lo ngại vì những cột mốc này đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi bé không đạt được những cột mốc này đúng thời điểm, đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bé.
Một số trường hợp bé cần đến sự can thiệp từ chuyên gia:
- Bé không thể ngồi một mình mà không cần hỗ trợ sau 9 tháng tuổi.
- Bé không nói được từ đơn giản như “mẹ,” “ba,” sau 12 tháng tuổi.
- Bé không có sự tương tác bằng mắt hoặc không thể hiện sự gắn bó với người chăm sóc.
Các vấn đề về giao tiếp và ngôn ngữ
Một số dấu hiệu cho thấy bé có vấn đề về giao tiếp và ngôn ngữ như:
- Không phản ứng với tên gọi: Bé không quay đầu hoặc không có phản ứng gì khi được gọi tên sau 9-12 tháng tuổi.
- Không sử dụng cử chỉ: Bé không sử dụng cử chỉ giao tiếp như chỉ tay, vẫy tay, hoặc lắc đầu để thể hiện mong muốn hoặc phản ứng khi 12 tháng tuổi.
- Không cố gắng bắt chước âm thanh: Bé không cố gắng bắt chước các âm thanh hoặc từ ngữ đơn giản mà bé nghe được từ người lớn.
- Không tương tác mắt: Bé không duy trì giao tiếp bằng mắt khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là khi trò chuyện hoặc chơi đùa.
Một số cách hỗ trợ nếu như bé có vấn đề về giao tiếp và ngôn ngữ:
- Nói chuyện thường xuyên với bé: Luôn nói chuyện với bé trong các hoạt động hàng ngày, dù bé chưa thể phản hồi lại. Mô tả những gì bạn đang làm, đặt câu hỏi và chờ đợi phản ứng từ bé.
- Kết hợp cử chỉ với lời nói: Khi giao tiếp với bé, hãy sử dụng cử chỉ cùng với lời nói để bé dễ hiểu hơn. Ví dụ, khi nói “đưa cho mẹ,” hãy đưa tay về phía trước để bé hiểu ý.
- Khen ngợi mọi nỗ lực giao tiếp: Dù bé chỉ phát âm được một từ đơn giản hoặc làm theo một cử chỉ, hãy khen ngợi và động viên bé để bé cảm thấy tự tin hơn trong việc giao tiếp.
Các vấn đề về vận động
Các vấn đề về vận động ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi bé không thể bò, đứng, hoặc đi đúng với lứa tuổi, có thể là dấu hiệu của những khó khăn trong sự phát triển. Một số vấn đề về vận động đối với bé 1 tuổi mà ba mẹ cần chú ý:
- Dấu hiệu cần chú ý khi bé không thể bò: Bé không có dấu hiệu muốn di chuyển, không cố gắng đẩy người lên bằng tay hoặc chân sau 8-9 tháng tuổi. Bé chỉ lăn tròn hoặc trượt bụng mà không bò, hoặc có xu hướng bỏ qua giai đoạn bò hoàn toàn.
- Dấu hiệu cần chú ý khi bé không thể đứng: Bé không có khả năng giữ thăng bằng và đứng dậy khi bám vào đồ vật sau 9-10 tháng tuổi. Bé không thể đứng mà không có sự hỗ trợ từ người lớn hoặc đồ vật sau 12 tháng tuổi.
- Dấu hiệu cần chú ý khi bé không thể đi: Bé không có khả năng bước đi với sự hỗ trợ sau 12-14 tháng tuổi. Bé không tỏ ra hứng thú với việc tập đi, hoặc chỉ muốn ngồi một chỗ, không thử di chuyển.
Kết luận
Thông qua bài viết trên, KidsUP đã trả lời cho bạn câu hỏi “bé 1 tuổi biết làm gì”. Mỗi bé sẽ có những mốc phát triển khác nhau nhưng những mốc thời gian sẽ không quá cách xa. Mong rằng với nội dung mà chúng tôi đã trình bày ở trên sẽ hữu ích đối với ba mẹ đang có con trong độ tuổi này.