Từ một đứa trẻ ngoan, con bạn bỗng dưng nói “Không” với mọi yêu cầu và bướng bỉnh, chống đối, thích làm theo ý mình. Vậy con thực sự đã suy nghĩ gì? Với những hành vi tiêu cực, bố mẹ nên có cách dạy con ngoan nghe lời mà không làm tổn thương bé như thế nào? Mời bạn đọc bài viết dưới đây.
Cách dạy con ngoan nghe lời khiến bé mau chóng hợp tác (nguồn: gymboreeclasses)
Bố mẹ cần biết lý do tại sao để có cách dạy con ngoan nghe lời đúng mực
Trẻ từ 2 tuổi trở lên đã có thể nhận thức nhiều hơn và biết được chính mình cũng là một bản thể độc lập trong thế giới này. Con mang trong mình trí tò mò với thế giới và dần phát triển tính cách độc lập, tự lập. Không có gì khó hiểu khi con bạn tưởng như dần xa cách khi không còn âu yếm bố mẹ như trước, “ngó lơ” mọi lời nói, yêu cầu của bố mẹ.
Thay vì thể hiện uy lực của bố mẹ để đàn áp bé, hãy nhìn những điểm tích cực là con đang muốn tự làm mọi thứ, muốn tự đưa ra quyết định và đôi lúc đang khám phá sự bất bình thường nếu như mình làm trái những quy tắc hàng ngày thì sao nhỉ. Ví dụ như thay vì đem tất bẩn bỏ vào giỏ, mình bỏ vào máy giặt luôn thì sao nhỉ, hay bố mẹ bắt cất đồ chơi mới được ăn cơm, nhưng mình thích ăn cơm trước rồi dọn sau thì sao nhỉ.
Với trẻ em hoàn toàn là sự khám phá, muốn quan sát phản ứng của bố mẹ thôi, nhưng đối với người lớn, đôi lúc thật khó chịu phải không? Đó là do con chưa hiểu việc làm theo quy tắc tốt cho con như thế nào, an toàn cho trẻ ra sao, và con cũng đang học cách sắp xếp, ưu tiên các thứ tự việc đấy.
Hiểu tâm lý con để có cách dạy con ngoan nghe lời (nguồn: unicef)
Nếu là những hoạt động không gây nguy hiểm tới con hay trong tình huống bố mẹ có nhiều thời gian, không ảnh hưởng tới người khác, hãy cứ để con làm theo ý mình. Tuy nhiên, hãy cứng rắn ngay từ đầu để con dần thay đổi tính cách, không thành thói vô tổ chức. Điều quan trọng là bố mẹ nên giúp con phát triển song song tính độc lập và tinh thần hợp tác, hòa thuận với mọi người xung quanh.
4 cách dạy trẻ ngoan vâng lời
Lời nói phải rõ ràng, cụ thể, gắn với thực tế
Thay vì nói “Con dọn đồ chơi đi” chưa đủ rõ ràng những gì con phải làm, mẹ nên đề cập cụ thể “Con cất xe ô tô đồ chơi, đồ hàng vào trong hộp nhé!”. Tương tự, thay vì nói cụt ngủn “Cả nhà sắp ăn cơm rồi” và lừ mắt nhìn con, mẹ hãy nhắc nhở cụ thể “Con rửa tay, mặc yếm và ngồi vào bàn ăn cơm với mọi người nhé”.
Lúc mẹ có thời gian rảnh rỗi, hãy cùng con học và hướng dẫn bé cách xếp đồ vào tủ, cách gấp quần áo, dọn giường ngủ sạch sẽ với một thái độ tỉ mỉ, cầu thị nhé. Đừng nghĩ rằng con thấy mình làm là bắt chước được, việc hướng dẫn con ngay từ đầu sẽ giúp bố mẹ cũng bớt khó chịu khi con sắp xếp đồ không gọn gàng, vừa mắt đấy.
Đừng cằn nhằn con
Cằn nhằn hay luôn nói “Không” không phải là cách dạy con ngoan nghe lời hiệu quả (nguồn: makchic)
Đôi khi việc bố mẹ nói quá nhiều về lỗi sai của con lại “phản tác dụng” khiến trẻ không hiểu, hay lảng tránh. Có thể cách dạy dỗ của bố mẹ đang mang tính “giáo điều” và nhiều hàm ý, không phù hợp với suy nghĩ còn vô tư của con trẻ.
Hãy vừa nhắc nhở vừa hướng dẫn cách sửa lỗi, cùng con hoàn thành nhiệm vụ được giao nhé. Ví dụ, bạn muốn trẻ đi dép cho kịp giờ học, thay vì cằn nhằn về việc con lề mề, hãy rạch ròi từng bước: “Con lấy dép và ngồi xuống”, “Con so xem bên giày trái, giày phải đâu”, “Con đi và buộc dây giày đi”, “Rồi, giờ thì đi thôi”. Khi yêu cầu được bóc tách rõ ràng, con sẽ biết trình tự phải làm là gì, một vài lần tạo thành thói quen bé sẽ tự hoàn thành từng bước một.
Nên cứng rắn, mềm mỏng đúng lúc
Nếu mẹ đã yêu cầu con vứt rác vào thùng rác mà bé vẫn coi như không nghe thấy, mẹ hãy lấy từ tay con và bỏ vào thùng.
Tương tự nếu đã hết giờ ăn cơm, con vẫn không chịu xuống khỏi ghế, mẹ bế con xuống dù con khóc lóc không chịu. Những hành động kiên quyết khiến bé hiểu rằng, không phải điều gì cũng làm theo ý mình, có lúc phải nghe lời bố mẹ.
Âu yếm, khen ngợi con khi con chủ động làm điều tốt (nguồn: poh)
Với trường hợp con tự nguyện, bố mẹ chưa nói mà con đã làm, chứng tỏ bé yêu đã hiểu các quy tắc, và cũng muốn nhìn thấy bố mẹ vui, đừng tiếc lời khen con, tạo động lực cho các bạn nhỏ. Hoặc dành tặng bé phần thưởng nho nhỏ, nên nói trước về phần quà để bé có động lực cố gắng. Ví dụ “Khi nào con xếp hết đồ vào chỗ cũ thì mẹ con mình cùng đọc cuốn truyện con thích nhé!”.
Hạn chế nói “không”
Đây có lẽ là điều không dễ làm, vì bạn sẽ phải chỉnh sửa thói quen thường nhật của mình. Có thể do bố mẹ hay nói không, nên con nghe quá nhiều lần và vô thức cũng luôn nói không với các yêu cầu của bố mẹ. Thay vì la hét “Con đừng bày bừa nữa”, thì bố mẹ có thể nói “Con cất đồ chơi vào trong thùng cho ngăn nắp nhé!”.
Những câu nói mang tính tích cực, khuyến khích sẽ giúp bé dễ chấp nhận hơn là sự phản đối, tiêu cực. Ngăn cản là hành vi đặc biệt không có tác dụng đối với các bạn nhỏ ương bướng, không nghe lời. Tuy nhiên, với các trường hợp gây nguy hiểm cho bạn nhỏ, mẹ cần dùng từ “không” một cách nghiêm túc và dứt khoát để con hiểu thái độ của mẹ và không tái phạm nữa.