Dạo gần đây, các phương pháp hỗ trợ việc học của trẻ đã dần trở thành điểm tựa đối với các bậc cha mẹ mong muốn con được phát triển trong học tập. Phương pháp Leitner cũng là một trong những phương thức học tập vô cùng phù hợp với trẻ mầm non và tiểu học. Vậy thực chất phương pháp Leitner là gì? Điều gì khiến cho phương pháp này trở nên khác biệt so với các cách học ghi nhớ thông thường? Bài viết sau đây của KidsUP sẽ giúp các cha mẹ tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp này nhé!
Tổng quan về phương pháp Leitner
Phương pháp Leitner được phát triển bởi nhà báo người Đức Sebastian Leitner vào thập niên 1970, dựa trên việc sử dụng thẻ ghi nhớ (flashcards) và các hộp, kết hợp với nguyên tắc lặp lại cách quãng (spaced repetition). Hệ thống hộp trong phương pháp này giúp xác định các nội dung cần ghi nhớ kỹ và nhắc nhở người học ôn tập các phần kiến thức khó hoặc chưa nắm vững.
Ý nghĩa của phương pháp này nằm ở khả năng tối ưu hóa quá trình ghi nhớ. Bằng cách chia các thẻ ghi nhớ thành nhiều nhóm khác nhau và điều chỉnh tần suất ôn tập, phương pháp này giúp trẻ tập trung vào những kiến thức chưa vững chắc, từ đó tăng cường hiệu quả học tập.
Cơ chế hoạt động của phương pháp Leitner
Leitner là phương pháp với các hoạt động dựa trên việc sử dụng thẻ nhớ (flashcard) và các hộp phân cấp. Khi bắt đầu, người học sẽ viết từng kiến thức cần ghi nhớ lên các thẻ nhớ (thường là câu hỏi hoặc khái niệm một mặt và câu trả lời ở mặt còn lại). Mỗi thẻ sau đó được đặt vào hộp đầu tiên, hộp có tần suất ôn tập cao nhất, trẻ sẽ bắt đầu học các thẻ ở hộp này.
Kiến thức sẽ dần dần chuyển qua các hộp tiếp theo dựa trên mức độ ghi nhớ. Nếu trẻ trả lời đúng, thẻ sẽ được chuyển lên cấp hộp cao hơn với tần suất ôn tập thấp hơn. Nếu trẻ quên hoặc trả lời sai, thẻ sẽ được đưa về hộp ban đầu để ôn tập lại từ đầu. Quá trình này tạo thành một chu trình học tập tuần hoàn, giúp trẻ dần dần ghi nhớ kiến thức một cách lâu dài.
Cách áp dụng phương pháp Leitner cho trẻ tại nhà
Leitner mang lại lợi ích rất lớn trong việc củng cố kiến thức cho trẻ và cực kỳ dễ dàng để thực hiện. Phương pháp này có thể dễ dàng thực hiện thông qua các thẻ nhớ và hộp đơn giản, giúp trẻ dần làm quen dần với cách học tập có hệ thống.
Chuẩn bị tài liệu và công cụ cần thiết
Trước tiên, ba mẹ cần chuẩn bị bộ thẻ nhớ có kiến thức có nội dung học của trẻ. Thẻ nhớ có thể bao gồm từ vựng, phép tính hay kiến thức tổng hợp, với mỗi mặt thẻ chứa một câu hỏi và câu trả lời ở mặt còn lại. Ngoài các thẻ nhớ, cha mẹ cũng nên chuẩn bị 3-5 hộp tương ứng với mức độ nắm vững kiến thức của trẻ. Sau khi đã chuẩn bị xong thẻ và hộp, ba mẹ hướng dẫn trẻ sắp xếp các thẻ theo các nhóm kiến thức khác nhau và đặt vào hộp đầu tiên,
Quy trình áp dụng phương pháp Leitner cho trẻ
Bước 1: Phân loại kiến thức cơ bản lên các thẻ nhớ.
Trước tiên, cha mẹ nên cùng trẻ xác định những phần kiến thức mà trẻ đang học và cần phải ghi nhớ và bắt đầu tạo các thẻ nhớ liên quan tới phần kiến thức đó. Áp dụng hình ảnh và màu sắc sinh động trong thẻ nhớ cũng sẽ giúp trẻ trở nên hứng thú hơn trong quá trình học thuộc.
Bước 2: Đặt thẻ vào các hộp theo cấp độ và thời gian ôn tập.
Trẻ sẽ bắt đầu quá trình học bằng cách đặt thẻ vào hộp đầu tiên, hộp có tần suất ôn tập cao nhất. Mỗi hộp nên được quy định tần suất học khác nhau sao cho phù hợp với thời gian biểu và khả năng học của trẻ. Khi trẻ trả lời đúng, thẻ sẽ được chuyển lên hộp tiếp theo với tần suất ôn tập thấp hơn. Khi trẻ trả lời sai, thẻ sẽ được đưa về lại hộp ban đầu.
Bước 3: Ôn tập định kỳ và điều chỉnh theo mức độ ghi nhớ của trẻ
Kiên trì và lặp lại thường xuyên chính là điểm mạnh của phương pháp Leitner. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ có tốc độ ghi nhớ và tiếp thu kiến thức khác nhau. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ ôn tập định kỳ theo lịch trình của từng hộp và dựa trên khả năng của trẻ mà điều chỉnh tần suất và số lượng thẻ phù hợp.
So sánh phương pháp Leitner với các phương pháp ghi nhớ khác
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp hỗ trợ khả năng ghi nhớ của trẻ, vậy điều gi khiến cho phương pháp này trở nên khác biệt so với các phương pháp khác?
Phương pháp Leitner có nhiều điểm tương đồng với phương pháp Spaced Repetition, khi đều dựa trên việc lặp lại có chọn lọc và điều chỉnh tần suất ôn tập. Tuy nhiên, đây là phương pháp sử dụng hộp phân cấp, tạo sự tổ chức và phân tầng độ khó dễ rõ ràng hơn. Trong khi đó, Spaced Repetition thường sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng để tự động hóa quá trình ôn tập.
Bên cạnh đó, phương pháp Loci khác hoàn toàn với hai phương pháp trên. Thay vì lặp lại thông tin, phương pháp này tạo ra những hình ảnh liên tưởng sống động để gắn liền với thông tin cần nhớ.
Phương pháp Leitner, Spaced Repetition và Loci là ba phương pháp ghi nhớ phổ biến và hiệu quả. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và phù hợp với từng đối tượng và mục đích học tập khác nhau. Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa các phương pháp này, KidsUP đã làm một bảng so sánh giữa 3 phương pháp như sau:
Tính năng | Phương pháp Leitner | Phương pháp Spaced Repetition | Phương pháp Loci |
Nguyên lý | Lặp lại cách quãng dựa trên hệ thống hộp | Lặp lại cách quãng dựa trên thuật toán | Tạo liên kết hình ảnh giữa thông tin cần nhớ với các địa điểm quen thuộc |
Công cụ | Thẻ ghi nhớ, hộp | Dựa vào phần mềm học tập, ứng dụng | Trí tưởng tượng, không gian |
Ứng dụng | Mọi loại kiến thức | Mọi loại kiến thức | Chủ yếu cho việc ghi nhớ danh sách, sự kiện |
Ưu điểm | Đơn giản, dễ thực hiện, linh hoạt | Tự động hóa quá trình ôn tập, hiệu quả cao | Tạo ra những hình ảnh sống động, dễ nhớ |
Nhược điểm | Cần sự kiên trì, tự giác | Phụ thuộc vào phần mềm, công cụ | Cần trí tưởng tượng phong phú |
Một số câu hỏi về phương pháp Leitner
Trong quá trình áp dụng phương pháp Leitner tại nhà, cha mẹ thường sẽ gặp phải những khó khăn và thắc mắc xoay quanh cách học này. Dưới đây là câu trả lời
Trẻ em ở độ tuổi nào nên áp dụng phương pháp Leitner?
Phương pháp Leitner là một công cụ học tập linh hoạt và có thể áp dụng cho trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, nên bắt đầu giới thiệu phương pháp này cho trẻ đã biết đọc và viết. Thông thường, trẻ em từ 6-7 tuổi trở lên là đã có thể áp dụng phương pháp này.
Đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học: Leitner có thể được đơn giản hóa bằng cách sử dụng các hình ảnh sinh động, màu sắc bắt mắt và các câu hỏi đơn giản. Việc học thông qua các thẻ ghi nhớ sẽ giúp trẻ làm quen với các chữ cái, số, hình dạng và màu sắc một cách tự nhiên và thú vị.
Loại kiến thức nào thích hợp áp dụng phương pháp Leitner?
Phương pháp Leitner có thể được áp dụng cho nhiều loại kiến thức khác nhau. Các môn học như ngôn ngữ (từ vựng), toán học (phép tính cơ bản), và kiến thức tổng hợp đều có thể sử dụng thẻ nhớ để tăng cường ghi nhớ. Ngoài ngôn ngữ và toán học, phương pháp này còn có thể áp dụng cho các môn học khác như lịch sử, địa lý, khoa học, và thậm chí cả các kiến thức chuyên ngành.
Kết luận
Bài viết trên là những chia sẻ của KidsUP liên quan đến phương pháp Leitner, gồm những thông tin tổng quan và cách áp dụng phương pháp này vô cùng đơn giản tại nhà. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với các phụ huynh đang mong muốn nuôi dạy con phát triển toàn diện. Hẹn gặp các cha mẹ tại những bài viết sau của KidsUP nhé!