Rối loạn tự kỷ ở trẻ là một tình trạng đặc trưng bởi sự suy giảm tương tác, khả năng giao tiếp xã hội. Theo ghi nhận của các tổ chức chuyên môn, số lượng trẻ bị tự kỷ ngày càng tăng với nhiều dạng và mức độ khác nhau. Việc phát hiện sớm, can thiệp đúng cách sẽ mang tới hiệu quả tích cực cho trẻ. Do đó, KidsUP đã tổng hợp những biểu hiện, mức độ tự kỷ ở bài viết dưới đây để phụ huynh dễ dàng tham khảo.
Định nghĩa rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ (ASD)
Rối loạn tự kỷ ở trẻ hay rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder) viết tắt ASD. Đây là một rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng tương tác, giao tiếp xã hội. Đi kèm với đó còn có những kiểu hành vi lặp đi lặp lại, rập khuôn và sự phát triển trí tuệ không đồng đều, thường là thiểu năng trí tuệ.
Nguyên nhân của tình trạng rối loạn phổ tự kỷ cho đến hiện tại vẫn chưa được xác định rõ nhưng thường liên quan đến:
- Gen di truyền
- Yếu tố gia đình như cha mẹ, họ hàng hoặc anh chị em bị ASD
- Cha mẹ lớn tuổi
- Sử dụng một số loại thuốc như axit valproic, thalidomide
- Trẻ sinh thiếu tháng
Biểu hiện rối loạn tự kỷ ở trẻ theo từng độ tuổi
Ở mỗi độ tuổi với các giai đoạn phát triển khác nhau mà biểu hiện của trẻ rối loạn tự kỷ sẽ khác nhau. Do đó, phụ huynh cần nắm rõ các dấu hiệu này để có thể nhận diện các triệu chứng ở bé từ sớm.
Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi
Rối loạn tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi thường có các biểu hiện như sau:
- Trẻ không phản ứng với âm thanh, tên gọi hoặc không giật mình khi có tiếng động lớn.
- Thiếu sự quan tâm đến người khác, không thể hiện sự thích thú trên khuôn mặt hay giao tiếp bằng mắt.
- Không thể hiện sự quan tâm đến các trò chơi mà trẻ cùng tuổi ưa thích.
- Không sử dụng cử chỉ như đưa tay ra khi muốn được bế, lấy đồ.
- Không bập bẹ nói hay tạo ra âm thanh khi thích thú hoặc giận dữ.
Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi
Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể nhận thấy các biểu hiện rối loạn tự kỷ ở trẻ như:
- Không hứng thú hay tham gia các trò chơi giao tiếp
- Kỹ năng ngôn ngữ chậm phát triển, chỉ sử dụng từ đơn thay cho câu hoàn chỉnh
- Trẻ khó hiểu những điều mọi người nói hay lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi
- Trẻ đi nhón chân hoặc thậm chí không thể bước đi
- Trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp hay bày tỏ mong muốn của bản thân
- Cách nói khác thường như giọng nói the thé, ngắt quãng liên tục
- Không lắng nghe, làm theo chỉ dẫn của người lớn
Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ từ 4 tuổi trở lên
Từ 4 tuổi trở lên, các biểu hiện rối loạn tự kỷ của trẻ rõ ràng, dễ nhận biết hơn như:
- Có xu hướng lặp đi lặp lại một hành động hoặc cử chỉ cơ thể
- Khó kết nối cảm xúc, thường không quan tâm tới những người xung quanh
- Trẻ chỉ thích chơi một vài đồ vật nhất định, chỉ quan tâm đến hình dạng, màu sắc mà ít chú ý đến công dụng.
- Không có hoặc thể hiện sự sáng tạo trong các hoạt động vui chơi hay học tập
- Không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt, duy trì cứng nhắc một số thói quen nhất định. Khi bị ép điều chỉnh thì trẻ thường tiêu cực, tuyệt vọng hoặc tức giận.
- Trẻ có thể kháng cự, không hợp tác với mọi người hoặc hoạt động quá mức, hung hăng.
- Một số trẻ phản ứng chậm hoặc thái quá với các cảm giác hay tác động từ xung quanh.
Các mức độ rối loạn tự kỷ ở trẻ
Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ được chia thành 3 cấp độ nhẹ, trung bình và nặng. Theo đó, trẻ có những biểu hiện và cách nhận biết khác nhau, cụ thể như sau.
Tự kỷ mức độ nhẹ
Rối loạn tự kỷ ở trẻ mức độ nhẹ hay cấp 1 bao gồm các biểu hiện như:
- Sở thích lặp đi lặp lại, gặp khó khăn khi thử những điều mới.
- Khả năng giao tiếp kém, Ít tương tác với bạn bè, khó tạo mối quan hệ.
- Trẻ khó tìm ra được từ ngữ phù hợp, không thể đọc được các tín hiệu xã hội, ngôn ngữ cơ thể.
Trẻ bị tự kỷ mức độ nhẹ thường khó nhận biết do trí tuệ bình thường hoặc trên mức trung bình. Dấu hiệu rõ nhất là sự giảm khả năng tương tác, xã hội khi mà trẻ không thể kết nối với bạn bè, thích chơi 1 mình, không chạy đùa cùng bạn. Ngoài ra, trẻ sẽ bám vào một người thân nhất định theo thứ tự ưu tiên, ít đáp lại, không biết các trò chơi tưởng tượng.
Tự kỷ mức độ trung bình
Biểu hiện rối loạn tự kỷ ở trẻ mức độ trung bình rõ ràng hơn và trẻ thường cần đến sự chăm sóc và hỗ trợ của gia đình như:
- Khó kiểm soát cảm xúc, ít linh hoạt trong thói quen, chỉ có một số sở thích nhất định.
- Gặp khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, tương tác xã hội.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ.
- Trẻ có thay đổi sự tập trung, khó chịu khi phải chuyển sang hoạt động mới.
Với mức độ này, trẻ thường phải thực hiện các bài kiểm tra chẩn đoán tự kỷ tại bệnh viện như:
- Bộ câu hỏi ASQ đánh giá sự phát triển theo tuổi
- Bảng kiểm (MCHAT-R/F) sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ
- Công cụ STAT sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em
- Thang (CARS) đánh giá mức độ tự kỷ ở trẻ em
- Thang Denver đánh giá sự phát triển tâm vận động
Tự kỷ mức độ nặng
Trẻ bị tự kỷ mức độ nặng sẽ có những biểu hiện rõ ràng ở cả hành vi và ngôn ngữ như sau:
- Phản ứng mạnh mẽ với thay đổi, khó điều chỉnh cảm xúc, đối khi trở nên quá kích, cực đoan
- Không thể giao tiếp bằng mắt, gần như không thể nói được
- Trẻ không có nhu cầu tương tác với xung quanh, chỉ có thể nói những từ rời rạc, thường ở trong thế giới riêng của mình
Với trình trạng này, trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ từ mọi người. Một số phương pháp can thiệp thường được sử dụng trong trường hợp tự kỷ nặng như:
- Liệu pháp tâm lý.
- Bài tập rèn luyện, tăng cường khả năng não bộ.
- Tương tác với trẻ ở mức độ phù hợp, sử dụng từ ngữ đơn giản,…
Các phương pháp hỗ trợ và can thiệp cho trẻ tự kỷ
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị dứt điểm, tận gốc rối loạn tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp mang đến hiệu quả tích cực, giúp giảm triệu chứng cho trẻ.
Liệu pháp hành vi áp dụng cho trẻ tự kỷ
Trị liệu hành vi là phương pháp được sử dụng phổ biến và mang đến những hiệu quả rõ rệt trên trẻ bị tự kỷ, bao gồm:
- Liệu pháp ABA (Applied Behavior Analysis): Phương pháp này mang tính cá nhân hóa, dựa trên những kỹ năng và hành vi trẻ đang có. Sau đó phân tích, giúp trẻ hiểu được quan hệ giữa suy nghĩ, hành vi và hậu quả. Từ đó loại bỏ những hành động tiêu cực, thêm những hành vi tích cực, cải thiện các kỹ năng xã hội, giao tiếp.
- Liệu pháp ngôn ngữ: Giúp cải thiện rối loạn ngôn ngữ, để trẻ có thể giao tiếp bình thường với mọi người. Các bài tập được áp dụng riêng cho từng trẻ để cải thiện khả năng phát âm, nâng cao vốn từ vựng, cấu trúc câu và ký hiệu, cử chỉ phi ngôn ngữ.
Các chương trình giáo dục đặc biệt
Hiện nay, các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ ngày càng trở chuyên sâu, phổ biến hơn như:
- Trường học và lớp học dành riêng cho trẻ tự kỷ: Đây là môi trường giáo dục đặc biệt với các chuyên gia, giáo viên, bài học dành riêng cho trẻ tự kỷ. Tại đây, trẻ sẽ được can thiệp, hướng dẫn để cải thiện nhận thức, ngôn ngữ, hành vi hay khả năng tương tác xã hội.
- Phương pháp giáo dục cá nhân hóa (IEP): Các bài tập, liệu trình can thiệp được xây dựng dựa trên tình trạng, biểu hiện của từng trẻ. Mỗi trẻ nhận sự điều trị khác nhau để đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả tốt nhất.
Kết Luận
Rối loạn tự kỷ ở trẻ là một vấn đề quan trọng mà các bậc phụ huynh không thể bỏ qua. Cha mẹ có thể dựa vào những biểu hiện theo độ tuổi, mức độ mà KidsUP đã chia sẻ ở trên để nhận biết và đưa con đến cơ sở chuyên môn để được thăm khám sớm nhất. Trước khi được chuyên gia chẩn đoán, ba mẹ nên bình tĩnh, tránh ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ.