Vì hệ miễn dịch của trẻ em chưa phát triển toàn diện nên tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn so với người lớn. Nếu như cha mẹ không phát hiện sớm, thì khi căn bệnh chuyển biến nặng có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho bé. Trong bài viết sau đây, KidsUP sẽ chia sẻ với bạn các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em và cách phòng chống bệnh hiệu quả.
Độ tuổi trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm?
Trẻ em có xu hướng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch còn non nớt, khó ngăn chặn các loại vi khuẩn xấu. Đặc biệt đối với những bé dưới 5 tuổi, tỷ lệ mắc các bệnh có tính truyền nhiễm sẽ cao hơn. Nguyên nhân là do trẻ thường xuyên tiếp xúc với các trẻ khác trong môi trường học tập, sinh hoạt chung
Đặc điểm bệnh truyền nhiễm ở trẻ em
Dưới đây là danh sách liệt kê 10 bệnh có tính truyền nhiễm ở trẻ em mà trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc phải. Chúng tôi cũng đã chỉ ra những đặc điểm quan trọng của 10 căn bệnh này để phụ huynh hiểu hơn và có hướng ngăn ngừa cho bé.
Bệnh cúm
Bệnh cúm lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn nhỏ từ người bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nếu bé chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus cúm và sau đó chạm vào mắt, mũi,… sẽ bị lây bệnh.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Chủ yếu là ba loại virus cúm A, B và C, trong đó cúm A và B là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh cúm mùa.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé có các triệu chứng đặc trưng của bệnh cúm như: Sốt cao đột ngột, ho khan, đau nhức cơ bắp và khớp, ớn lạnh và đổ mồ hôi, kiệt sức, mệt mỏi,… Trong trường hợp nặng hơn bé có thể bị nôn mửa, tiêu chảy.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Cách phòng ngừa bệnh cúm chính là rửa tay với xà phòng và nước, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Bé cũng cần tránh tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.
Bé nên được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ba mẹ nên cho bé nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng và nước giúp trẻ tăng lại đề kháng.
Sởi
Cách thức lây bệnh sởi là do virus sởi lây lan qua các giọt bắn từ người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện. Virus có thể tồn tại trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm trong 2 giờ, nên có thể lây lan ngay cả sau khi người bệnh rời khỏi khu vực.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Bệnh sởi do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra, cụ thể là morbillivirus.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé có các triệu chứng: Bị viêm kết mạc, xuất hiện các nốt phát ban đỏ, bắt đầu từ mặt và sau đó lan ra toàn thân. Phát ban thường xuất hiện từ 3-5 ngày sau khi bắt đầu sốt và kéo dài từ 5-6 ngày.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ có thể phòng ngừa bằng cách tiêm Vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella). Trẻ em nên được tiêm phòng vào khoảng 12-15 tháng tuổi và liều nhắc lại vào khoảng 4-6 tuổi.
Ba mẹ nên cho bé uống thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ, sẽ giảm nguy cơ biến chứng của bệnh sởi. Nghỉ ngơi và dinh dưỡng phù hợp là một điều cần thết để trẻ nhanh chóng hồi phục.
Bệnh thủy đậu
Một trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em chính là bệnh thủy đậu. Nếu như bé tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm virus từ dịch tiết của các nốt phỏng, bé sẽ bị lây bệnh.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Thủy đậu do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra, thuộc họ Herpesviridae.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé thường sốt trước khi phát ban. Khi phát ban, các nốt phỏng nhỏ, đỏ, ngứa, xuất hiện đầu tiên trên mặt, ngực và lưng, sau đó lan ra toàn thân. Các nốt phỏng phát triển thành mụn nước, sau đó vỡ ra, khô lại và đóng vảy.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ nên tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu cho bé. Ba mẹ có thể cho bé dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm sốt và đau. Hạn chế tối đa việc bé gãi để không làm tổn thương da và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Ho gà
Cách thức lây bệnh của bệnh ho gà tương tự như các bệnh trên.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Trong 1 – 2 tuần đầu triệu chứng giống cảm lạnh như sổ mũi, ho nhẹ, sốt nhẹ, mất cảm giác thèm ăn,… Giai đoạn từ 2 – 6 tuần kế tiếp, bé ho dữ dội, thường kèm theo tiếng “rít” khi hít vào sau cơn ho (ho gà đặc trưng).
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ nên chủ động tiêm Vaccine DTaP cho trẻ em. Trẻ em nên được tiêm phòng DTaP vào các thời điểm 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 15-18 tháng và 4-6 tuổi.
Ba mẹ có thể cho bé dùng kháng sinh như azithromycin, clarithromycin,… theo đơn thuốc của bác sĩ. Bạn nên sử dụng máy làm ẩm không khí để giảm kích thích ho.
Bạch hầu
Bệnh bạch hầu có cơ chế lây bệnh tương tự như các bệnh trên. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với các vết thương bị nhiễm khuẩn.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé dễ bị đau họng nghiêm trọng, sưng amidan và hạch bạch huyết. Trong vòm họng, niêm mạc mũi xuất hiện mảng màu trắng. Khi ăn cơm, bé sẽ bị khó nuốt hoặc nuốt vào sẽ bị đau.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ nên dẫn bé tiêm ngừa Vaccine DTaP từ sớm để hạn chế nhiễm bệnh. Ngoài ra, ba mẹ có thể cho bé dùng kháng sinh như penicillin hoặc erythromycin được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa lây lan (theo chỉ định của bác sĩ).
Quai bị
Bệnh quai bị có cơ chế lây lan tương tự các bệnh trên. Bệnh quai bị lây lan qua các giọt bắn từ người bệnh, nếu trẻ em chạm phải đồ vật bị nhiễm virus thì sẽ mang bệnh.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Quai bị do virus Mumps gây ra, thuộc họ Paramyxoviridae.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé bị sưng đau tuyến mang tai, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên mặt. Bé có thể mệt mỏi, bị sốt và kéo dài trong vài ngày. Trong một số trường hợp sẽ đi kèm với triệu chứng buồn nôn.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ nên tiêm Vaccine MMR cho bé khi 12-15 tháng tuổi và liều nhắc lại vào khoảng 4-6 tuổi. Nếu như phát hiện bé bị quai bị, ba mẹ nên chườm ấm hoặc chườm lạnh để làm giảm đau tuyến hai mang tai.
Rubella
Rubella có thể lây lan cho người khác thông qua việc tiếp xúc hàng ngày. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nhiễm rubella có thể truyền virus sang thai nhi, gây ra hội chứng rubella bẩm sinh.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
Rubella do virus Rubella gây ra, thuộc họ Togaviridae.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé bị sốt nhẹ, kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Sau đó, bé sẽ bị phát ban đỏ, bắt đầu từ mặt và lan ra toàn thân, thường kéo dài khoảng 3 ngày. Ngoài ra, bé còn bị một số triệu chứng khác như sưng hạch bạch huyết sau tai và cổ, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn,…
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ nên cho bé tiêm phòng Vaccine MMR từ sớm, đồng thời tránh tiếp xúc với người bệnh. Phụ huynh nên theo dõi tình trạng của bé, cho bé uống thuốc theo với chỉ định của bác sĩ.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng lây lan qua tiếp xúc với phân, nước bọt, dịch từ mụn nước, hoặc dịch tiết từ mũi và miệng của người nhiễm bệnh. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, virus có thể lây lan qua không khí.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
- Virus Coxsackievirus A16: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tay chân miệng.
- Virus Enterovirus 71 (EV71): Có thể gây ra các trường hợp nghiêm trọng hơn và dẫn đến biến chứng nặng.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Đầu tiên, bé sẽ bị sốt, kèm đau họng. Sau đó, bé xuất hiện các nốt mụn nước đỏ, đau trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, đôi khi trên mông. Các nốt mụn nước có thể xuất hiện trong miệng, gây đau khi ăn uống.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ nên làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật bé thường xuyên tiếp xúc như đồ chơi, tay nắm cửa, bàn ghế. Ba mẹ nên rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt sau khi thay tã hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và miệng của trẻ.
Sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da để làm dịu các nốt mụn nước. Nếu có triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao không giảm, khó thở, hoặc các triệu chứng thần kinh (như co giật), cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp lây lan chủ yếu qua việc tiêu thụ thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng. Nếu như bé tiếp xúc bề mặt vật có chứa vi khuẩn, sau đó đưa tay lên miệng sẽ dễ nhiễm bệnh.
– Nguyên nhân gây ra bệnh
- Vi khuẩn như: Salmonella, Shigella, Escherichia coli (E. coli) và Vibrio cholerae (gây bệnh tả).
- Virus như: Norovirus, Adenovirus, Rotavirus.
- Ký sinh trùng phổ biến như: Entamoeba histolytica, Giardia lamblia,….
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé thường buồn nôn, kèm với đi ngoài nhiều lần trong ngày với phân lỏng hoặc nước. Bé có cảm giác đau bụng quặn thắt theo từng cơn, cơ thể cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Ba mẹ hãy hướng dẫn bé rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, chỉ nên ăn thực phẩm và nước uống đã được nấu chín và xử lý an toàn. Tránh ăn thức ăn đường phố và không rõ nguồn gốc.
Ba mẹ hãy cho bé dùng dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải mất đi do tiêu chảy. Ngoài ra, phụ huynh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.
Lao
Bệnh lao, còn gọi là lao phổi, là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này chủ yếu tấn công phổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, hạch bạch huyết, và hệ thần kinh trung ương.
– Nguyên nhân gây ra bệnh:
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là tác nhân chính gây ra bệnh lao.
– Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Bé ho kéo dài hơn 3 tuần, có thể kèm theo đờm hoặc máu. Bé dễ đổ mồ hôi ban đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau ngực khi thở sâu hoặc ho.
– Cách phòng ngừa và điều trị
Bạn có thể chủ động ngăn ngừa bệnh ở bé bằng cách tiêm phòng Vaccine BCG. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và chẩn đoán sớm để ngăn ngừa lây lan.
Ba mẹ nên thăm khám ý kiến của bác sĩ, tuân theo phác đồ điều trị lao để đảm bảo thuốc hiệu quả. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ để đảm bảo thuốc có tác dụng.
Các bước cơ bản khi phát hiện trẻ mắc bệnh
Nếu như không may bé mắc một trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em thì ba mẹ cần phải có hướng xử lý ngay lập tức. Bạn có thể tham khảo hai bước cơ bản sau đây khi phát hiện trẻ mắc bệnh:
– Cách ly và chăm sóc tại nhà
Bạn nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em khác và người lớn tuổi để ngăn ngừa lây lan bệnh. Nếu có thể, bạn nên giữ trẻ ở một phòng riêng biệt và sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng.
– Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện
Khi bé có các triệu chứng như sốt cao, phát ban lan rộng, có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc không giảm sau vài ngày. Nếu trẻ đau đầu dữ dội, co giật, mất ý thức,… là lúc bạn nên dẫn trẻ đến bệnh viện để tiến hành làm các bài kiểm tra cần thiết.
Kết luận
Thông qua bài viết trên, KidsUP đã chia sẻ với bạn các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Có thể thấy rằng cách phòng bệnh hiệu quả nhất chính là ba mẹ cần phải tiêm phòng cho bé đầy đủ các vắc xin cần thiết đúng thời gian. Trong trường hợp bạn thấy bé vẫn không thuyên giảm ngay cả khi dùng thuốc thì cần phải đưa bé tới bệnh viện để thăm khám chuyên sâu.