Trẻ em bị co giật nhưng không sốt là một tình trạng nguy hiểm và có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó bao gồm nhiều trường hợp nguy hiểm như chấn thương vùng đầu, có khối u hoặc nhiễm trùng. Chính vì thế, KidsUP đã tổng hợp, phân tích những trường hợp đó ở bài viết này để các bậc phụ huynh tham khảo, biết cách xử lý nếu con em mình gặp tình huống tương tự.
Hiểu về co giật ở trẻ em
Trước khi đi tìm hiểu nguyên nhân trẻ em bị co giật nhưng không sốt thì chúng ta cần phải biết đôi chút về tình trạng bệnh lý này. Nắm rõ được các triệu chứng góp phần quan trọng việc phát hiện và có phương án xử lý kịp thời.
Định nghĩa và phân loại co giật ở trẻ
Co giật ở trẻ em là một tình trạng cấp cứu thần kinh với sự xuất hiện nhất thời các dấu hiệu và hoặc triệu chứng do các hoạt động thần kinh bất thường, quá mức trong não. Tình trạng này gây ra các rối loạn tạm thời về vận động, ý thức, cảm giác và thần kinh do một số nơron thần kinh phóng điện đột ngột.
Ở trẻ em, co giật được phân thành 2 loại là lành tính và ác tính như sau:
- Co giật lành tính: Thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 1 ngày – 1 tháng tuổi hoặc đang bú mẹ. Khám trước sau cơn co giật thì trẻ hoàn toàn bình thường và ít để lại ảnh hưởng tới phát triển tâm thần vận động.
- Co giật ác tính: Thường gây ra do nhiều nguyên nhân như chuyển hóa, bệnh lý, ngộ độc,…Triệu chứng thường nghiêm trọng như suy hô hấp, đầu biến dạng và dễ để lại di chứng sau này.
Sự khác biệt giữa co giật có sốt và không sốt
Khi chăm sóc trẻ nhỏ, cha mẹ cần biết và phân biệt được tình trạng co giật do sốt hay không sốt. Vì mức độ nguy hiểm và cách xử lý ở 2 trường hợp này rất khác nhau.
Co giật do sốt | Co giật không do sốt | |
Nguy hiểm | Thường lành tính | Thường ác tính |
Độ tuổi | Trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi | Trẻ ở nhiều độ tuổi |
Nguyên nhân | Do tính trạng sốt cao 39 – 40 độ liên tục | Những tổn thương lên hệ thần kinh trung ương |
Di chứng | Ít di chứng, ít ảnh hưởng đến phát triển sau này. | Dễ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển sau này. |
Triệu chứng nhận biết sớm co giật không sốt
Trẻ bị co giật nhưng không sốt là một tình trạng vô cùng nguy hiểm mà cha mẹ cần sớm nhận biết các triệu chứng dưới đây để có hướng xử lý:
- Một hoặc cả 2 bên cơ mặt của bé bị giật nhẹ trong thời gian ngắn
- Hai bên má, miệng và các ngón tay, chân xảy ra tình trạng rung bất thường
- Trẻ bị nặng thì cứng hàm, quấy khóc
- Trẻ có các dấu hiệu suy hô hấp như thở không ra hơi, toàn thân tím tái, thóp phồng
- Vòng đầu của trẻ đột nhiên to hoặc nhỏ bất thường.
Các nguyên nhân chính khiến trẻ em bị co giật nhưng không sốt
Như đã chia sẻ ở trên, trẻ em bị co giật nhưng không sốt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nhìn chung đều là các trình trạng nguy hiểm, dễ để lại các di chứng nghiêm trọng.
Rối loạn thần kinh
Rối loạn thần kinh là nguyên nhân thường gặp gây co giật ở trẻ mà cha mẹ cần hết sức lưu ý, bao gồm:
- Động kinh và các dạng co giật không sốt: Đây là những cơn co giật lặp đi lặp lại trong một thời gian mà không liên quan đến bệnh cấp tính, tổn thương não. Nguyên nhân thường do một vùng não nhỏ gửi tín hiệu bất thường tới các khu vực khác. Để điều trị thường sẽ phải sử dụng đến các loại thuốc chống động kinh.
- Hội chứng Dravet và các bệnh di truyền khác: Dravet thường xuất hiện do khiếm khuyết di truyền trong gen SCN1A. Hội chứng này hiếm gặp và đặc trưng bởi chứng động kinh, các vấn đề phát triển, bắt đầu ở trẻ khoảng 2 – 3 tuổi. Do sự liên quan đến gen nên tình trạng này sẽ xảy ra suốt đời và khó kiểm soát.
Não từng bị chấn thương hoặc có khối u
Khi não bị tổn thương sẽ gây ra tình trạng trẻ em bị co giật nhưng không sốt. Khi đó, co giật sẽ bắt nguồn từ các vùng tổn thương của não do những tế bào thần kinh lúc này dễ bị kích thích. Nguyên nhân thường đến từ các va đập gây chấn thương hoặc khối u:
- Chấn thương vùng đầu: Não của trẻ bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như va đập mạnh, sử dụng các thủ thuật thai sản như giác hút, Forceps,…Ngoài ra còn có thể do thai phụ chuyển dạ quá nhanh, quá chậm hay dây rốn quấn cổ, ngạt khí,…
- U não và khối u khác: Trẻ từ 5 – 8 tuổi có thể mắc các khối u thân não, tiểu não, u nang não,…Khi khối u phát triển sẽ chèn ép lên, ngăn máu đi nuôi các tế bão não, gây ra các tổn thương về thần kinh.
Các vấn đề về chuyển hóa và thiếu hụt dinh dưỡng
Rối loạn chuyển hóa cũng là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ em bị co giật nhưng không sốt, điển hình như:
- Hạ canxi máu: Thường gặp ở trẻ còn bú mẹ do còi xương sớm, tiêu chảy. Triệu chứng thường xuất hiện là những cơn co giật đột ngột, co rút người hoặc co thắt thanh quản, dấu hiệu Trousseau (+).
- Tăng Bilirubin tự do: Khi lượng Bilirubin tự do và muối mật tăng quá nhiều gây nhiễm độc thần kinh. Các biểu hiện dễ thấy như trẻ vàng da, tăng trương lực cơ.
- Rối loạn glucose máu: Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, không đủ cung cấp năng lượng cho não sẽ gây ra co giật. Ngoài ra còn có vã mồ hôi, tay chân lạnh, bú kém, run rẩy,…
- Hạ hoặc tăng natri máu: Khi trẻ bị tiêu chảy mất nước, ăn kiêng lâu ngày dẫn tới lượng natri trong máu dưới 120 mmol/lít sẽ gây co giật. Ngược lại, khi lượng natri trong máu trên 150 mmol/lít do đái tháo nhạt, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, bỏng,…cũng có thể gây ra co giật.
- Hạ Magie: Khi lượng magie trong máu thấp hơn 0.5 mmol/l thì trẻ sẽ có các biểu hiện như yếu cơ, co giật, run, rung giật cơ,…
- Thiếu vitamin B6: Gây ra các bệnh về thần kinh ngoại vi, hội chứng giống pellagra và thường gây lú lẫn, co giật.
Nhiễm trùng và viêm liên quan đến não bộ
Các nguyên nhân như viêm màng não, nhiễm trùng làm tổn thương não, tế bào thần kinh cũng có thể gây ra tình trạng trẻ em bị co giật nhưng không sốt như:
- Viêm não và viêm màng não: Do bệnh lý như viêm màng não do HIB, viêm màng não mô cầu, viêm não Nhật Bản, viêm não do siêu vi trùng đường ruột. Những bệnh lý này ở dạng cấp tính, gây tổn thương não với nhiều biểu hiện trong đó có co giật.
- Các bệnh nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Một số loại như virus sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị hay vi khuẩn não mô cầu, liên cầu, E.coli, lao, KST sốt rét, toxoplasma,…cũng có thể gây ra triệu chứng co giật.
Phương pháp chăm sóc và hỗ trợ trẻ bị co giật không sốt
Co giật không sốt ở trẻ là tình trạng tương đối nghiêm trọng cần được giám sát, quan sát kỹ lưỡng và biết cách xử lý. Có như vậy mới giảm thiểu các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ.
– Hướng dẫn chăm sóc tại nhà và tại trường học
Dù ở nhà hay trường học thì cha mẹ đều cần phải biết cách phòng ngừa, xử trí sao cho hiệu quả nhất, tránh để trẻ gặp tình trạng nặng hay biến chứng nguy hiểm:
- Các biện pháp phòng ngừa co giật: Cân bằng nước, điện giải, theo dõi nếu trẻ có tiền sử động kinh, tiêm phòng để tránh các loại virus, mầm bệnh. Nếu trẻ mắc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng hay có dấu hiệu bất thường thì cần đưa đến các cơ sở y tế sớm nhất.
- Cách xử lý khi trẻ bị co giật: để trẻ nằm nghiêng, chú ý đường thở sau đó đưa đến các cơ sở y tế gần nhất. Cha mẹ tuyệt đối không được cho các vật lạ vào miệng bé hoặc sử dụng thuốc an thần mà chưa có chỉ định của chuyên gia.
– Tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt điều độ
Một thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp phòng tránh cũng như giảm nguy cơ, tình trạng trẻ bị co giật. Cha mẹ cần chú ý đến cả chế độ ăn và nghỉ ngơi của trẻ:
- Chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ bị co giật: Bổ sung thêm các nhóm thực phẩm giàu protein, rau xanh, chất xơ. Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường, mì chính, chất phụ gia, nước ngọt, đồ ăn nhanh,…
- Tầm quan trọng của giấc ngủ và hoạt động thể chất: Ngủ đủ giấc và hoạt động thể chất đều đặn giúp trí não và cơ thể trẻ phát triển. Từ đó tạo ra một thể trạng sức khỏe tốt, tránh các bệnh, nguy cơ nhiễm khuẩn. Nhờ vậy mà nguy cơ hay trình trạng co giật sẽ giảm xuống.
Câu hỏi thường gặp về co giật không sốt ở trẻ em
– Trẻ bị co giật không sốt có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ không?
Nguyên nhân co giật không do sốt thường đến từ các bệnh lý, sự tổn thương não bộ. Tình trạng co giật này cũng là ác tính nên khả năng ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ của trẻ là rất lớn.
– Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ khi có dấu hiệu co giật không sốt?
Các cơn co giật không do sốt ở trẻ thường kéo dài từ 2 – 4 phút. Nhưng nếu cơ kéo dài trên 5 phút hoặc diễn ra thường xuyên thì cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để thăm khám ngay.
– Có thể phòng ngừa co giật không sốt ở trẻ em không?
Có thể, bởi đa số nguyên nhân thường đến từ các bệnh ký viêm nhiễm hoặc rối loạn chuyển hóa. Cha mẹ cần chú ý đến việc chăm sóc trẻ hằng ngày, cân bằng dinh dưỡng, phòng tránh các bệnh lý nghiêm trọng có thể gây tổn thương não.
Kết Luận
Trẻ em bị co giật nhưng không sốt là tình trạng nguy hiểm, có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này rất đa dạng nên KidsUP đã tổng hợp và tóm tắt ngắn gọn ở bài viết trên để các bậc phụ huynh dễ dàng tham khảo. Cha mẹ hãy chú ý để phòng tránh hoặc đưa trẻ đi thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.