Việc tìm kiếm các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực là điều mà các phụ huynh quan tâm khi dạy trẻ em. Phương pháp này không chỉ giúp điều chỉnh hành vi của trẻ một cách ôn hòa, mà còn hướng đến việc xây dựng mối quan hệ tích cực giữa ba mẹ và bé. Bài viết sau đây, KidsUP sẽ bật mí cho bạn những cách giáo dục kỷ luật tích cực nhé!
Giáo dục kỷ luật tích cực là gì?
Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực chính là cách giáo dục nhằm tạo ra môi trường tích cực cho bé phát triển. Vì vậy, thay vì ba mẹ tập trung vào các hình phạt khi bé làm sai, hãy khuyến khích bé thực hiện hành vi đúng. Điều này sẽ xây dựng được mối quan hệ tôn trọng giữa hai bên và giúp bé phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Việc giáo dục kỷ luật tích cực sẽ dựa trên các nguyên tắc về lợi ích tốt nhất cho bé, “nói không” với việc làm tổn hại thể chất hay tinh thần của trẻ. Tuy nhiên ba mẹ vẫn có những quy tắc nhất định mà bé cần phải tuân theo, giúp bé cảm nhận được tầm quan trọng.
Bé được hướng dẫn cách hành xử đúng đắn và học hỏi từ những sai lầm của mình. Người lớn đóng vai trò là người hướng dẫn, giúp trẻ hiểu rõ hậu quả của hành vi và cách khắc phục.
Các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cơ bản đến nâng cao
Việc lựa chọn đúng các phương pháp kỷ luật tích cực sẽ giúp bé dễ dàng tiếp thu và phát triển. Ba mẹ có thể tham khảo các phương pháp giáo dục từ cơ bản đến nâng cao sau đây:
Thiết lập quy tắc rõ ràng và nhất quán
Đầu tiên ba mẹ cần phải biết cách thiết lập các quy tắc rõ ràng và nhất quán ngay từ ban đầu. Đây chính là cơ sở để bé nhận định được hành vi của mình là đúng hay sai. Bạn có thể cùng trẻ thảo luận và đồng thuận về các quy tắc trước khi áp dụng.
Điều này sẽ giúp cho bé biết được vì sao cần tuân thủ các quy tắc. Phụ huynh cũng cần đảm bảo rằng tất cả những quy tắc sẽ được áp dụng nhất quán trong mọi tình huống và mọi thành viên trong gia đình đều tuân thủ. Sự nhất quán này sẽ giúp cho bé biết rằng đây là điều quan trọng và cần thiết.
Ví dụ cụ thể: Ngồi ngay ngắn tại bàn khi ăn và không nói chuyện khi miệng đầy thức ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể khen ngợi cụ thể về hành vi mà trẻ đã làm tốt. Ví dụ: “Mẹ rất vui vì con đã tự dọn dẹp phòng của mình.”
Giao tiếp tích cực và lắng nghe trẻ
Khi bé nói, ba mẹ nên dành toàn bộ sự chú ý cho trẻ, tránh bị phân tâm bởi các công việc khác. Bạn nên thể hiện sự quan tâm bằng cách gật đầu, duy trì giao tiếp bằng mắt và phản hồi những gì trẻ nói.
Bên cạnh đó bố mẹ cần tránh sử dụng những ngôn ngữ tiêu cực, hãy sử dụng các từ mang tính chất khuyến khích. Ví dụ như thay vì bạn nói “Con không được làm vậy”, thì có thể nói như “Con hãy thử làm thế này nhé!”
Sử dụng lời khen và khuyến khích
Khi được khen ngợi về những hành vi tích cực, trẻ sẽ có xu hướng lặp lại những hành vi đó. Lời khen ngợi là một cách để củng cố và khuyến khích trẻ duy trì những thói quen tốt. Việc khen ngợi vào cố gắng, thay vì chỉ chú trọng vào kết quả sẽ giúp trẻ hiểu rằng nỗ lực của mình được đánh giá cao, bất kể kết quả cuối cùng như thế nào.
Bạn có thể sử dụng lời khen để khuyến khích bé làm những nhiệm vụ khó hơn. Ví dụ: “Con đã rất giỏi với các bài toán cơ bản, giờ chúng ta thử những bài nâng cao nhé.”
Tạo cơ hội lựa chọn
Một trong những phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực chính là ba mẹ hãy tạo cơ hội để bé được lựa chọn. Khi được lựa chọn, bé sẽ học cách đánh giá các tình huống và đưa ra quyết định dựa trên thông tin có sẵn.
Trẻ sẽ tự học cách tự quyết định và cảm thấy mình có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Bên cạnh đó, bé sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và tự do phát triển.
Ba mẹ có thể sử dụng phương pháp này để cho bé lựa chọn cách thức học tập. Ví dụ như khi nói về thời gian làm bài tập, bạn có thể hỏi “Con muốn làm bài tập ngay sau bữa tối hay sau khi xem xong chương trình yêu thích của con?”.
Chấp nhận hậu quả của mình
Trước khi trẻ thực hiện một hành vi, ba mẹ hãy giải thích cho trẻ biết hậu quả của hành vi đó. Ví dụ: “Nếu con không cất đồ chơi sau khi chơi xong, con sẽ mất thời gian để tìm đồ chơi lần sau.”
Bên cạnh đó, bạn nên hỗ trợ trẻ trong quá trình sửa sai nhưng không làm thay trẻ. Ví dụ, nếu trẻ quên làm bài tập, hãy giúp trẻ lập kế hoạch để hoàn thành bài tập nhưng không làm thay trẻ.
Xây dựng môi trường an toàn và tích cực
Ba mẹ có thể xây dựng môi trường an toàn tích cực để cho bé an tâm học tập. Khu vực học tập nên yên tĩnh, có đủ ánh sáng và dụng cụ học tập cần thiết. Bên cạnh đó, khu vực vui chơi nên có đủ không gian cho trẻ vận động và sáng tạo.
Ba mẹ cũng nên tổ chức các hoạt động gia đình như chơi board game, xem phim, hoặc đi dã ngoại. Những hoạt động này giúp bé học được cách hợp tác, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.
Quản lý cảm xúc khi có mâu thuẫn, xung đột
Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực tiếp theo là chúng tôi muốn giới thiệu tới ba mẹ chính là cách quản lý cảm xúc khi có mâu thuẫn. Nếu như không may gia đình xảy ra xung đột thì ba mẹ có thể áp dụng các bước sau đây:
- Bước 1: Hãy dành thời gian lắng nghe mỗi bên để hiểu rõ nguyên nhân và cảm xúc của mỗi thành viên. Đặc biệt là người con còn non nớt.
- Bước 2: Sau khi lắng nghe, xác định rõ vấn đề mà hai bên đang tranh cãi.
- Bước 3: Ba mẹ và bé tìm các phương pháp để giải quyết vấn đề, tối thiểu là 2 phương pháp để cùng nhau lựa chọn.
Một trong những kỹ thuật giúp cho bé có thể giải quyết xung đột nhẹ nhàng chính là học cách diễn tả tâm lý tích cực. Ngoài ra, ba mẹ hãy kiên nhẫn trình bày cảm xúc để bé có thể hiểu được cho ba mẹ.
Các phương pháp kỷ luật tích cực nâng cao
Sau khi bạn đã biết được các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cơ bản, hãy cùng tìm hiểu thêm về những phương pháp nâng cao. Các phương pháp này sẽ tác động trực tiếp đến tư duy và hành vi của bé, giúp bé điều chỉnh hành vi của mình.
Phương pháp Time-out tích cực
Time-out tích cực là một phương pháp giáo dục giúp trẻ có thời gian bình tĩnh lại, suy ngẫm về hành vi của mình và học cách kiểm soát cảm xúc. Bạn nên chọn một nơi yên tĩnh, không có đồ chơi hay thiết bị điện tử để trẻ có thể ngồi yên và bình tĩnh lại. Thời gian time-out nên tương ứng với độ tuổi của trẻ, thường là 1 phút cho mỗi tuổi. Ví dụ, trẻ 5 tuổi sẽ ngồi time-out trong 5 phút.
Khi time-out kết thúc, ba mẹ hãy hỏi trẻ về cảm xúc và suy nghĩ của mình. Ba mẹ cũng có thể giải thích cho bé hiểu rõ hơn về hành động không đúng của bé.
Phương pháp bắt chước hành vi tích cực
Phương pháp bắt chước hành vi tích cực giúp trẻ học hỏi và thực hiện những hành vi tốt thông qua việc quan sát và bắt chước người khác. Vì trẻ em sẽ có xu hướng bắt chước các hành vi của mọi người xung quanh nên ba mẹ hãy trở thành tấm gương để bé học tập.
Khi thực hiện những hành vi tích cực, ba mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu lý do và lợi ích của những hành vi đó. Ví dụ, “Bố giúp ông cụ qua đường vì giúp đỡ người khác là điều tốt và làm chúng ta cảm thấy vui vẻ.”
Ba mẹ nên khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi tích cực như chào hỏi người lớn, giúp đỡ bạn bè,… khi có thể. Bạn cũng cần học cách kiên nhẫn vì duy trì thói quen tích cực cho trẻ cần khá nhiều thời gian.
Phương pháp sử dụng bảng phần thưởng
Một trong những phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực được nhiều bạn đánh giá cao chính là phương pháp giáo dục sử dụng bảng phần thưởng. Đầu tiên, ba mẹ cần xác định rõ những hành vi tích cực mà bạn muốn khuyến khích con làm. Những hành vi này có thể là việc làm bài tập đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hoặc giúp đỡ công việc nhà.
Sau đó bạn hãy chọn những phần thưởng mà trẻ mong muốn. Phần thưởng có thể là nhãn dán, đồ chơi, thời gian chơi game,…
Trong bảng phần thưởng cần quy định rõ cách thức tích lũy điểm và cách quy đổi điểm thành phần thưởng. Ví dụ, mỗi hành vi tích cực có thể được thưởng một ngôi sao, và 10 ngôi sao sẽ đổi được một phần thưởng nhỏ.
Khi trẻ thực hiện hành vi tích cực, ba mẹ nên ghi nhận ngay lập tức trên bảng phần thưởng để trẻ thấy được sự công nhận. Bên cạnh đó, bạn nên theo dõi và đánh giá hiệu quả của bảng phần thưởng. Nếu thấy cần thiết, phụ huynh có thể điều chỉnh các mục tiêu hoặc phần thưởng để phù hợp hơn với trẻ.
Vai trò của cha mẹ và giáo viên trong giáo dục kỷ luật tích cực
Vai trò của ba mẹ và giáo viên trong giáo dục kỷ luật tích cực rất quan trọng. Sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình sẽ đảm bảo rằng các phương pháp kỹ thuật được thực hiện một cách nhất quán, góp phần vào sự phát triển toàn diện ở bé.
Hợp tác giữa gia đình và nhà trường
Khi cha mẹ và giáo viên cùng thống nhất về các mục tiêu giáo dục và kỷ luật, trẻ sẽ tiếp nhận được để nghe theo và thực hiện các hành vi như mong đợi. Gia đình và nhà trường nên sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực giống nhau, giúp trẻ dễ dàng hiểu và tuân thủ các nguyên tắc.
Cha mẹ và giáo viên có thể chia sẻ kinh nghiệm khi thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực với nhau. Những kinh nghiệm thực tiễn từ cả hai phía sẽ giúp cải thiện phương pháp giáo dục.
Áp dụng kỷ luật tích cực tại nhà
Áp dụng kỷ luật tích cực tại nhà là cách hiệu quả để củng cố những gì trẻ đã học được ở trường. Ba mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau để khuyến khích bé áp dụng kỷ luật tích cực tại nhà:
- Thực hiện hoạt động gia đình: Dành thời gian chất lượng cùng trẻ, thực hiện các hoạt động như đọc sách, hoặc cùng làm việc nhà. Điều này giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm.
- Kể chuyện: Kể cho trẻ nghe những câu chuyện có chứa bài học về hành vi tích cực. Sau đó, bạn nên thảo luận với trẻ về những gì trẻ học được từ câu chuyện.
- Lắng nghe và thảo luận: Khi có xung đột, ba mẹ hãy lắng nghe ý kiến của trẻ và cùng thảo luận để tìm ra giải pháp. Điều này giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề một cách tích cực.
- Tạo thói quen tốt: Hướng dẫn trẻ hình thành những thói quen tích cực hàng ngày như giữ gìn vệ sinh cá nhân, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, làm bài tập đúng giờ.
Làm gương cho trẻ
Việc làm gương cho trẻ không chỉ giúp trẻ học hỏi và phát triển những hành vi tích cực mà còn tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh. Trẻ em sẽ học bằng cách quan sát và bắt chước. Do đó, cha mẹ và giáo viên nên thể hiện những hành vi tích cực hàng ngày như lịch sự, kiên nhẫn và tôn trọng.
Khi gặp tình huống căng thẳng, ba mẹ hãy phản ứng một cách bình tĩnh. Điều này giúp trẻ học cách xử lý tình huống khó khăn một cách hiệu quả.
Kết luận
Thông qua bài viết trên, KidsUP đã bật mí với ba mẹ những phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực được nhiều phụ huynh áp dụng. Để bé có thể duy trì các thói quen tích cực cần sự kiên nhẫn và cố gắng của ba mẹ và nhà trường. Phụ huynh luôn là tấm gương để trẻ noi theo nên bạn hãy trở thành một tấm gương sáng nhé!